SỨ NHA KHOA - PHẦN II: CHỌN SỨ THẨM MỸ, MÀN ĐU DÂY QUA SUỐI
SỨ NHA KHOA
PHẦN 2: CHỌN SỨ THẨM MỸ, MÀN ĐU DÂY QUA SUỐI
Một ca lâm sàng sẽ ghi dấu ấn trong tâm trí nha sỹ rất sâu nặng, nếu đó là một ca thất bại. “Tôi thấy màu hơi tối”, “Tôi thấy nó trắng quá!”, “Em chỉ cắn rau thôi mà nó gãy/vỡ/mẻ.”…khách hàng muốn nha sỹ làm lại, nhưng phí labo và không còn thời gian khiến trong đầu nha sỹ vang lên “Giá mà mình chọn loại sứ kia” và những câu “Giá mà….” như vậy luôn là nỗi ám ảnh nghề nghiệp!
Khi đứng trước một ca phục hình sứ, bất cứ nha sỹ nào cũng có cùng chung một suy nghĩ là làm thế nào cho thật đẹp mà bền. Đây chính là nghịch lý trớ trêu về mặt vật liệu, những vật liệu bền thì không đẹp và ngược lại. Vậy thì phải làm sao? Nha sỹ có lẽ phải phân tích kỹ từng ca lâm sàng một để phân lập cho được đâu là những ca cần ưu tiên thẩm mỹ, đâu là những ca cần ưu tiên chức năng. Từ đó, những hiểu biết sâu sắc về vật liệu sẽ giúp nha sỹ đưa ra chỉ định vật liệu, thiết kế phục hình và kế hoạch mài răng thích hợp.
Trước một ca yêu cầu thẩm mỹ nha sỹ hãy bắt đầu suy nghĩ về vật liệu thẩm mỹ dành cho phục hình toàn sứ, những vật liệu sứ thẩm mỹ thường là những loại sứ thuỷ tinh nhưng các sứ thuỷ tinh thì thường là yếu.
(Nguồn hình ảnh: Art Dental Lab)
Bảng trên cho thấy Lithium Disilicate có độ bền uốn 360 MPa, lớn hơn men răng - 281 - 288 MPa. Đó là lý do tại sao ngày nay Lithium Disilicate ngày càng trở nên được sử dụng nhiều hơn. Với độ bền uốn cao hơn men, trong những ca thẩm mỹ, quý vị hãy nghĩ đến Lithium Disilicate trước.
Tuy nhiên, đặc tính của các dòng sứ thuỷ tinh, trong đó có Lithium Disilicate, thường khá trong, do đó, cẩn trọng màu nền của cùi răng. Nha sỹ có thể hoàn toàn thất bại vì màu sắc nếu không có bảng so màu cùi răng. Trong tình cảnh lâm sàng màu răng quá đen, quá xám, quá đỏ hoặc mỗi cùi răng một màu thì cách tốt nhất là xoá màu nền bằng một sườn sứ có độ đục cao, như sườn zirconia chẳng hạn hơn là dùng sứ thuỷ tinh tiện hay ép nguyên khối.
Khi đã chọn vật liệu rồi, nha sỹ cần chỉ định thiết kế và phương pháp chế tác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến độ bền của sứ. Có ba hiện tượng gãy vỡ sứ thường thấy trên lâm sàng: Vỡ sứ đường hoàn tất, vỡ sứ ở những vùng tiếp xúc nhai, mẻ sứ ở bất cứ chỗ nào trên phục hình sứ. Để khắc phục nha sỹ cần chỉ định đúng thiết kế và kỹ thuật chế tác.
Vỡ sứ đường hoàn tất phục hình toàn sứ thẩm mỹ thường là do quá mỏng không đủ chịu lực. Lý do tiếp theo là đường hoàn tất không được thiết kế tựa lên thành kháng lực nên phải chịu một lực xé rất lớn. Nha sỹ nên chỉ định đường hoàn tất sứ dày và có thành kháng lực cho sứ thuỷ tinh thẩm mỹ, kể cả Lithium Disilicate.
Vỡ sứ tiếp xúc nhai là một hiện tượng thường gặp, khi khối sứ quá dày phải chịu một lực vói quá lớn. Những vùng hay vỡ là đỉnh múi có sứ dày, vùng gờ tam giác ở mặt bên, những vùng chịu lực vói cao. Cần phải thiết kế sườn toàn sứ đúng giải phẫu để phần sứ đắp không quá dày. Chỉ định chế tác nguyên khối giảm nguy cơ tách lớp giữa các lớp sứ thuỷ tinh đắp từng lớp theo phương pháp layering.
(Nguồn hình ảnh: Spear Education)
Mẻ sứ thường là do tách lớp giữa các lớp sứ đắp. Để hạn chế nên chỉ định phương thức chế tác sứ nguyên khối tiện hoặc ép. Để hạn chế mẻ sứ răng cửa có thể chỉ định sứ nguyên khối, khắc phục thẩm mỹ bằng cách thiết kế không có cạnh cắn của khối tiện hoặc ép, sau đó, đắp cạnh cắn (phương pháp cut-back).
Sau khi chỉ định được vật liệu, thiết kế và phương thức chế tác cho một ca phục hình yêu cầu thẩm mỹ, việc còn lại là chuẩn bị cùi răng. Nếu cùi răng màu đẹp thì chỉ cần một lớp sứ mỏng, Laminate Lithium Disilicate là một chọn lựa tuyệt vời. Nếu một cùi răng có màu vàng nhiều thì cần một lớp sứ dày, cùi răng cần được chuẩn bị sao cho đủ không gian. Nếu màu răng quá đen, quá xám hay mỗi cùi răng một màu thì cần một sườn toàn sứ màu đục như zirconia, khi đó, không gian cùi răng cần chuẩn bị phải đủ chỗ cho sườn zirconia 0.5mm và 1mm cho phần sứ đắp bên trên, mão toàn sứ trong trường hợp này nên là chỉ định.
Tóm lại: Tuỳ theo yêu cầu lâm sàng là thẩm mỹ ưu tiên hay chức năng ưu tiên mà chọn lựa vật liệu, thiết kế, chế tác và chuẩn bị cùi răng.
Tác giả: Bs. Võ Phú Cường
Đón xem phần 3: Chọn lựa sứ cho phục hình ưu tiên chức năng
Đánh giá bài viết
Bạn có thể dành chút thời gian đánh giá bài viết này được không? Ý kiến của bạn sẽ giúp SSP mang lại những bài viết tốt hơn tới bạn.
Đánh giá: 4.6 - tổng số: 5 đánh giá
Những bài viết liên quan

PHỤC HỒI TOÀN SỨ: TẠI SAO BỊ BỂ?
Tất cả các phục hồi toàn sứ đều có thể vỡ, thậm chí là IPS e.max lithium disilicate, loại có độ bền uốn 400 mPa. Vậy lí do là gì?   Xem thêm

SỨ NHA KHOA - PHẦN III: LỰA CHỌN SỨ CHO MÃO RĂNG CHỊU LỰC, CẦN CẨU NHÀ CAO TẦNG
Khi quyết định đặt một phục hồi vào miệng, bất cứ nha sỹ nào cũng đều biết rằng: Chiếc cần cẩu mong manh này sẽ phải tải một lực rất lớn, theo mọi phương, với nhịp điệu bất thường. Nhưng bệnh nhân cần một phục hồi đáp ứng chức năng nhưng phải có màu giống răng! Vật liệu sứ chắc chắn là một chọn lựa tốt.   Xem thêm